Các Sàn Thương Mại Điện Tử Freeship Nhiều Vậy Thì Kiếm Tiền Như Nào?


Nguồn tiền từ đâu mà nhiều sàn thương mại điện tử phải chi lớn cho những đợt sale và miễn phí giao hàng liên tục như vậy?

 "Săn sale Shopee", "nhập code để được freeship" hay "rẻ hơn hoàn tiền" đang là các cụm từ khá phổ biến trong giao tiếp và mua bán hàng ngày hiện nay.

Buôn bán truyền thống, đầu tư mặt bằng nhỏ đang ngày càng thất thế trước hình thức kinh doanh online trên nhiều sàn thương mại điện tử hiện nay. Không khó để bắt gặp các chiến dịch quảng cáo rầm rộ và những đợt siêu sale cực lớn mỗi tháng trên nhiều sàn khác nhau. Vậy, nguồn tiền từ đâu mà các sàn thương mại điện tử phải chi khủng như thế cùng SD Group tìm hiểu nhé!

1. Nguồn tiền của các nhà đầu tư

Lĩnh vực thương mại điện tử đang nổi lên trở thành một trụ cột kinh tế số trong nền kinh tế hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà cả Đông Nam Á. Tại Việt Nam trong năm qua, chi tiêu vào thương mại điện tử tăng hơn 2 lần, theo Tech in Asia. Chính điều này đã đưa thương mại điện tử thành một miếng bánh được rất đông các nhà đầu tư săn đón.

Nhu cầu tiêu dùng và tốc độ phát triển của nhiều dịch vụ mua sắm tăng cao, thị trường thương mại điện tử đang liên tục đón nhận những nguồn vốn khủng rót vào. Bốn ông lớn của Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo liên tục được rót vốn để tăng thị phần, mở rộng quy mô.

Đây được coi là nguồn đầu tư và cũng là nguồn thu quan trọng nhất của các doanh nghiệp thương mại điện tử trên thị trường Việt Nam hiện nay.

2. Thu phí từ các đơn hàng của người bán trên ứng dụng

Hiện nay, khi bạn truy cập vào mua sắm tiêu dùng từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép đến dịch vụ thiết yếu tại các cửa hàng sẽ có chỉ dẫn đường link trên những sàn thương mại điện tử. Việc thay đổi hành vi tiêu dùng kết hợp với những ưu đãi đến từ sàn thương mại điện tử đã khiến thị trường chuyển dịch thành nhiều kênh mua sắm khác nhau. Đây cũng là một trong những nguồn thu cho nhiều sàn thương mại điện tử.

sàn thương mại điện tử free ship - sd group

Ví dụ, với mỗi cửa hàng ở trên Lazada trước đây, người bán phải trả rất nhiều khoản phí sau:

  • Phí vận chuyển: Tính theo % giá sản phẩm khi bán được hàng
  • Phí quản lý: Các loại phí khi sử dụng dịch vụ của Lazada
  • Phí mặc định: Áp dụng cả với những người bán hàng online khác

Như vậy, với mạng lưới lên đến hàng chục nghìn gian hàng và người bán, doanh thu bao gồm nhiều khoản phí của Lazada có thể lên đến vài triệu USD một năm. Tuy nhiên, từ tháng 4/2018, Lazada đã miễn phí bán hàng trên kênh gồm cả phí cố định và phí mặc định. Ngoài ra, Lazada cũng đã tính thêm một số khoản phí phụ sau:

  • Phí giao hàng: Lazada đến nhận hàng tận nơi rồi chuyển đến nơi tập trung hàng hoá của Lazada (chỉ áp dụng khi shop có trên 30 đơn hàng/ngày)
  • Phí Fulfillment by Lazada (FBL) : Loại phí áp dụng khi bạn sử dụng dịch vụ bán hàng kho Lazada bao gồm: Phí xử lý hàng hoá FBL, phí nhận hàng hoàn trả lại và lưu kho quá thời hạn

sàn thương mại điện tử free ship - sd group

Không chỉ với Lazada, trên một số trang tmđt khác như Shopee, Tiki hay Sendo, người bán cũng phải trả nhiều khoản phí tuỳ theo quy định của sàn. Với một sàn thương mại lớn Tiki, khi gian hàng bước vào hoạt động thì Tiki sẽ thu 3 khoản phí chính: Chiết khấu, thanh toán và chuyển tiền.

  • Chiết khấu: Khoản phí này phụ thuộc vào số lượng hàng hoá đối tác bán (từ 6%-8%)
  • Thanh toán: Chủ shop sẽ trả phí 1%/1 đơn hàng thành công. Đây là khoản phí thanh toán online hoặc thu hộ COD trên mọi đơn hàng
  • Phí chuyển trả: 20.000 VND/sản phẩm. Khi đơn hàng thuộc danh mục hàng cồng kềnh giao hàng thất bại

Như vậy, với quy mô càng lớn và sở hữu nhiều gian hàng trên sàn, các công ty sẽ có thể kiếm được thêm tiền thông qua những khoản thu của người bán hơn.

3. Quảng cáo từ người bán trên các sàn tmđt

Cũng như nhiều chợ online hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm của công ty trên sàn tmđt đã không còn xa lạ gì với người bán. Như với Sendo, họ có bán những banner quảng cáo cho gian hàng trên trang web và đưa gian hàng lên top search với giá mấy chục triệu đồng một gói marketing.

sàn thương mại điện tử free ship - sd group

Với những gian hàng mới, nếu muốn có đủ số lượng khách để cạnh tranh với các shop khác thì họ cũng sẽ chi tiền ra mua banner và quảng cáo mạnh trên website. Quảng cáo online trên những website thương mại sẽ là cầu nối gần gũi nhất giữa người bán hàng và người mua. 

Một mẫu quảng cáo bắt mắt với nội dung hay và hợp nhu cầu, tâm lý của người dùng sẽ dễ thu hút người mua, làm họ ngay lập tức click vào để tìm kiếm, tham quan gian hàng của bạn để lựa chọn những thứ mà họ thích hoặc đơn giản là họ muốn. Đây cũng là yếu tố thu hút người bán trả tiền trên những trang thương mại điện tử.

4. Kết hợp với các ví điện tử

Hạ tầng thanh toán với nền tảng là ví điện tử trở thành trận chiến mới của những "ông lớn" thương mại điện tử tại Việt Nam trong mấy năm gần đây.

Đầu tháng 11 năm ngoái, Lazada chính thức tích hợp dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử eMonkey (eM) vào nền tảng thương mại điện tử của họ.

sàn thương mại điện tử free ship - sd group

Shopee áp dụng các chương trình ưu đãi đặc biệt đối với người tiêu dùng khi thực hiện thanh toán bằng ví Shopee Pay, một dịch vụ nằm trong hệ sinh thái số của SEA . Nếu nhắc đến những sàn thương dmại điện tử lớn, Tiki dường như là cái tên duy nhất không có ví điện tử riêng, nhưng hiện tại họ hợp tác với Momo.

Những cú bắt tay này của các doanh nghiệp mang về cho tiki mức hoa hồng và chiết khấu khác nhau, kèm với đó là tiết kiệm chi phí bán hàng, hạn chế tình trạng hàng bị huỷ ngay khi thanh toán. Việc có ví điện tử cũng giúp các sàn giao dịch giảm thiểu sự luân chuyển nguồn vốn giữa các đơn vị người bán, người mua và bên thứ ba. Từ đó, tiền sẽ được tích luỹ và tạo nên những chênh lệch giá khác nhau.

Nhận xét

Với sự bùng nổ trong việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cùng với những chuyển dịch và thay đổi về thói quen tiêu dùng của khách hàng, nhiều sàn thương mại điện tử đang ngày một mở rộng với nguồn thu đa dạng hơn.

Mặc dù, việc báo thua lỗ khủng vẫn thường được công bố trong các báo cáo quý và năm của doanh nghiệp, tuy nhiên không thể phủ nhận, thương mại điện tử sẽ còn có những bước tiến mới trong thời gian tới với sự góp mặt của nhiều tập đoàn bán lẻ có tầm cỡ quốc tế. Điều này mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng đồng thời tạo nên sự cạnh tranh bán hàng khốc liệt.

Sẽ luôn là những người tiêu dùng thông minh, mua sắm cân đối trước cơn lốc khuyến mãi hấp dẫn mà các sàn thương mại đang mời gọi chúng ta.

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm SD Group. Cùng theo dõi các bài viết tiếp theo của SD Group để tìm hiểu các kiến thức mới mẻ về truyền thông và công nghệ nhé!